This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần

Bệnh tay chân miệng  (TCM) hiện nay là bệnh rất dễ mắc nhất là trẻ dưới 3 tuổi, gây nhiều tác hại đến đến sức khỏe của trẻ, nhất là những trường hợp mắc bệnh TCM do virút EV71. Một trong những thắc mắc mà phụ huynh cũng rất quan tâm đó là trẻ đã bị mắc bệnh TCM rồi có bị tái nhiễm nữa không? Những lần mắc bệnh sau có nghiêm trọng hơn lần trước không?

Có thể bị tái nhiễm nhiều lần

Theo các bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện tuyến chuyên khoa, trẻ có thể bị mắc bệnh TCM lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần thứ 4 hoặc nhiều hơn vì những lý do như sau:

- Trẻ em và người lớn sau khi bị nhiễm virút gây bệnh TCM, dù có biểu hiện lâm sàng hay không có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh ít nhiều vẫn có thể có kháng thể chống lại virút, nhất là virút EV71. Tuy nhiên, lượng kháng thể này không nhiều và không bền vững theo thời gian nên không đủ để bảo vệ trẻ khi có sự lây nhiễm kế tiếp khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây.

- Ngoài hai chủng virút gây bệnh TCM phổ biến ở trẻ em Việt Nam hiện nay là virút EV71 và chủng virút Coxsackie A16 còn có hơn 10 chủng virút thuộc nhóm virút đường ruột (còn gọi là Enterovirus) có thể gây bệnh TCM cho trẻ. Đây chính là lý do trẻ có thể bị mắc bệnh TCM nhiều lần.

- Khi trẻ bị nhiễm bệnh TCM do một chủng virút nào đó, trẻ chỉ có kháng thể chống lại loại virút mà trẻ vừa bị nhiễm. Hoàn toàn không có tình trạng miễn nhiễm chéo giữa các chủng virút gây bệnh TCM ở trẻ.

Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần 1


Mức độ nghiêm trọng ở những lần mắc bệnh tiếp theo

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh về mức độ nghiêm trọng của những lần tái nhiễm bệnh TCM tiếp theo, có ý kiến cho rằng trẻ mắc bệnh TCM lần sau thường bị nhẹ hơn so với lần mắc bệnh trước đây vì trẻ đã mắc bệnh ít nhiều sẽ có kháng thể giúp tiêu diệt mầm bệnh nếu bị nhiễm lần tiếp theo. Nhiều phụ huynh khác lại cho rằng trẻ bị mắc bệnh TCM lần sau thường bệnh nặng hoặc nghiêm trọng hơn lần trước vì cơ thể trẻ quá yếu nên mới bị tái nhiễm bệnh TCM nhiều lần. Tất cả những ý kiến trên đều chưa có bằng chứng khoa học để xác nhận. Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết: thách thức lớn nhất hiện nay đối với giới chuyên môn là vẫn chưa xác định chính xác về độc tính của chủng virút EV71, về sự tương quan giữa chủng virút E71 và các chủng virút khác gây bệnh TCM cho con người với mức độ nghiêm trọng của bệnh, cần tiếp tục thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học sâu hơn, trong đó nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.

Theo kinh nghiệm thực tế của các bác sĩ lâm sàng trực tiếp tham gia công tác điều trị bệnh TCM tại những bệnh viện tuyến chuyên khoa, mức độ nghiêm trọng của bệnh TCM thường phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:

- Chủng virút gây bệnh TCM mà trẻ bị nhiễm. Thông thường chủng virút EV71 đang được xem là chủng virút rất nguy hiểm đối với bệnh nhi, nhiễm chủng virút này bệnh nhân dễ xảy ra các biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, số trường hợp tử vong chủ yếu là do virút EV71, cụ thể trong năm 2013 100% trường hợp tử vong của bệnh TCM đều do virút EV71.

- Trẻ càng nhỏ tuổi khi bị nhiễm bệnh TCM càng dễ bị bệnh nặng, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi, nhóm tuổi có sức đề kháng kém nhất, tử vong do bệnh TCM của nhóm trẻ dưới 3 tuổi chiếm tới 75 - 86% trong 3 năm qua.

- Những bệnh nhân có cơ địa miễn dịch yếu kém như trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải (trẻ bị nhiễm HIV/AIDS), trẻ đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch liên tục và kéo dài… Những trẻ này không may bị nhiễm bệnh TCM có nhiều khả năng trẻ sẽ mắc bệnh nặng và nhiều biến chứng.

Phụ huynh cần ghi nhớ trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc miệng, hiện nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ triệu chứng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện trẻ mắc bệnh TCM. Nhiều trường hợp virút gây bệnh đã tấn công vào não bộ, hoặc virút đã gây biến chứng tại các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh.

ThS.BS. ĐINH THẠC

Có nên dùng váng sữa thay cho bú mẹ?

Váng sữa không thể thay thế sữa và nhất là sữa mẹ vì nó không chứa đủ các chất dinh dưỡng như trong sữa mẹ, đặc biệt là hàm lượng đạm trong váng sữa thấp.

Váng sữa là gì ?

Trước đây, váng sữa được chế biến bằng cách vớt phần trên cùng của sữa và cho làm lạnh. Ngày nay, nhà sản xuất sử dụng máy ly tâm để tách phần trên cùng của sữa, đó chính là váng sữa. Tùy thuộc vào cách chế biến sẽ có nhiều loại váng sữa khác nhau. Ngoài ra, còn có váng sữa nhân tạo được chế biến từ các loại dầu thực vật (dầu dừa, dầu cọ, …), bổ sung thêm casein (đạm sữa bò) và đường lactose (loại đường có trong sữa bò).

Váng sữa không thể thay thế sữa và nhất là sữa mẹ

Quan sát nhãn ghi trên hộp váng sữa, chúng ta sẽ thấy thành phần chủ yếu của váng sữa là chất béo. Lượng chất béo trong 1 hũ váng sữa cao gấp đôi so với chất béo có trong 1 ly sữa thông thường của trẻ. Do đó, đây là nguồn cung cấp năng lượng rất cao. Tuy nhiên, chất đạm cùng vitamin và khoáng chất có trong váng sữa rất ít. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên dùng váng sữa để thay thế sữa cho trẻ.

Những trẻ nên dùng váng sữa

Váng sữa có thành phần chất béo cao, cung cấp nhiều năng lượng nên tốt cho những trẻ đang cần nhiều năng lượng: trẻ từ trên một tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, trẻ mới ốm dậy. Với những trẻ này, các bà mẹ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ cho trẻ.

Lượng váng sữa có thể cho trẻ ăn trong ngày phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và loại váng sữa được mua. Trung bình, trẻ 6 - 12 tháng tuổi có thể ăn 1 hộp váng sữa/ngày, trẻ trên 1 tuổi: có thể ăn 1 - 2 hộp/ngày, tùy vào mức độ dung nạp của trẻ. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, tiêu chảy do hàm lượng chất béo quá cao.

Những trẻ không nên dùng váng sữa

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.

- Trẻ bị thừa cân - béo phì.

- Trẻ đang bị tiêu chảy.

- Trẻ dị ứng với sữa bò.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn váng sữa sau 6 tháng tuổi nhằm bổ sung thêm năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt hơn.

Nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ trẻ sẽ bị thiếu chất đạm, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Những điều cần lưu ý

Váng sữa rất dễ bị hỏng nên cần được bảo quản trong tủ lạnh, nơi có nhiệt độ tương đối ổn định. Không nên để váng sữa ở bên cánh cửa tủ lạnh vì khi mở cửa tủ lạnh thường xuyên sẽ không giữ được nhiệt độ ổn định.

Sau khi mua, bạn nên sử dụng càng sớm càng tốt.

Chỉ nên mua váng sữa ở những đại lý có uy tín, có đủ điều kiện bảo quản tốt. Khi mua cần chú ý hạn sử dụng, thành phần ghi trên hộ

ThS.BS. LÊ THỊ HẢI

Bí quyết vệ sinh răng miệng khi nắn chỉnh răng

Ngày nay có nhiều trẻ em và người lớn có nhu cầu nắn chỉnh răng. Bên cạnh những kết quả tốt về thẩm mỹ, chức năng do nắn chỉnh răng mang lại, nếu chúng ta không để ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng trong thời gian điều trị thì nhiều hậu quả xấu có thể xảy ra như sâu răng, viêm lợi. Tuy nhiên, những sự cố này có thể khắc phục được nếu vệ sinh răng miệng đúng cách.

Vì sao phải vệ sinh răng miệng khi nắn chỉnh răng?

Với hầu hết mọi người thì chải răng và dùng chỉ tơ đúng cách đã có thể giúp đảm bảo vệ sinh răng miệng, tuy nhiên, với bệnh nhân đang điều trị chỉnh nha cố định thì như thế vẫn chưa đủ. Thức ăn rất dễ bị mắc lại bên dưới dây cung, xung quanh các chun tại chỗ và vì vậy tạo điều kiện thuận lợi để hình thành mảng bám. Nếu mảng bám không được loại bỏ hoàn toàn khỏi bề mặt răng và xung quanh mắc cài, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị viêm lợi, sâu răng và hôi miệng. Vi khuẩn trong mảng bám hấp thu đường và chuyển hóa thành acid. Acid có thể kích thích lợi, gây sâu răng và hôi miệng. Do vậy, việc lấy sạch mảng bám thường xuyên là rất quan trọng. Có vậy, sau khi hoàn tất quá trình chỉnh nha, bề mặt răng bên dưới mắc cài mới được khỏe mạnh và bóng đẹp.

Trong quá trình nắn chỉnh răng cần vệ sinh răng miệng đúng cách.

Một số bí quyết vệ sinh răng miệng

Chải răng

: Bạn nên sử dụng bàn chải với lông bàn chải mềm vì nó dễ chui vào các góc và kẽ cũng như không gây tổn thương lợi. Không cần thiết phải dùng bàn chải máy nhưng nếu bạn có thì vẫn có thể sử dụng nó để chải trên mắc cài. Lưu ý không đập phần nhựa ở phía sau bàn chải vào phần cánh mắc cài vì nó có thể gây hại cho mắc cài. Ngoài ra, nên dùng ở tốc độ quay vừa phải để tránh làm hỏng hay rơi mắc cài. Tuy vậy, cách tốt nhất vẫn là dùng bàn chải tay thông thường vì chúng ta có thể kiểm soát được lực tốt hơn. Chải răng ít nhất 3 lần một ngày. Tốt nhất là chải răng sau tất cả các bữa ăn để đảm bảo không có thức ăn mắc lại xung quanh mắc cài. Nếu bạn không có điều kiện chải răng sau bữa trưa thì ít nhất cũng phải súc miệng thật kỹ với nước.

Đặt bàn chải không phải trên bề mặt mắc cài mà trên phần răng tiếp giáp với lợi, xoay tròn những vòng nhỏ. Bạn có thể đẩy lông bàn chải luồn bên dưới dây thép ở phía trên và phía dưới mắc cài để lấy di thức ăn và mảng bám bên dưới dây thép. Bạn phải chắc rằng lông bàn chải phải tựa lên lợi và răng. Nếu bạn tựa bàn chải lên dây cung môi thì bàn chải ở cách xa nướu và việc chải răng sẽ không hiệu quả.

Vào buổi tối, hay bất cứ lúc nào có thời gian, bạn nên bỏ ra ít nhất 5 phút để chải răng thật kỹ. Bắt đầu với bàn chải kẽ răng, rất hiệu quả để lấy đi một lượng lớn mảnh vụn thức ăn, dụng cụ này cũng cần dùng hằng ngày để lấy đi mảng bám trên răng và nướu. Bẻ gập phần dây thép của bàn chải tạo góc thích hợp. Đưa bàn chải luồn bên dưới dây cung môi, hướng từ lợi về phía cạnh cắn, chải chậm rãi, 15 lần, từ mắc cài này đến mắc cài khác. Sau khi dùng bàn chải kẽ cho mỗi mắc cài, dùng bàn chải thông thường theo cách đã hướng dẫn ở trên. Bàn chải đánh răng của bạn sẽ hư nhanh chóng vì mắc cài, do đó bạn cần thay bàn chải ngay khi nó bị xơ tua.

Dùng chỉ tơ nha khoa: Sử dụng chỉ tơ ít nhất một lần một ngày, tốt nhất là dùng chỉ tơ sau tất cả các bữa ăn. Khi bạn mang mắc cài thì sẽ khó để luồn được chỉ dưới dây cung nhưng đã có các dụng cụ đặc biệt để hỗ trợ, đó là cây luồn chỉ và một loại chỉ tơ đặc biệt.

Fluoride: Luôn sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride. Nha sĩ có thể sẽ khuyên bạn dùng thêm các nước súc miệng có chứa fluoride thông thường. Chúng sẽ cung cấp fluoride để bảo vệ và làm răng cứng chắc trong suốt quá trình chỉnh nha. Sau khi chải răng, súc sạch kem đánh răng, ngậm 5 -10ml dung dịch FluorCare 30 giây, sau đó nhả thuốc, để lại phần thuốc còn bám lại ít nhất 30 phút. Tốt nhất nên thực hiện trước khi đi ngủ để fluor tiếp tục tác dụng suốt cả đêm. Một gợi ý có ích là bạn làm việc này vào cùng một đêm mỗi tuần. Ví dụ đêm chủ nhật có thể là đêm fluor.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như bàn chải kẽ, nước súc miệng sát khuẩn, máng bảo vệ (nhất là khi bạn chơi thể thao để tránh bị tổn thương do khí cụ va chạm vào mặt).

Bàn chải Bi-level để chải răng.

Bảo quản hàm duy trì và các khí cụ chỉnh nha tháo lắp

Nếu bạn có hàm duy trì sau chỉnh nha hay bất kỳ khí cụ chỉnh nha tháo lắp nào thì chúng cũng cần được vệ sinh thường xuyên. Chải sạch khí cụ hằng ngày bằng bàn chải đánh răng và có thể sử dụng thêm kem đánh răng. Đặc biệt, chú ý làm sạch mặt khí cụ tiếp xúc với răng và niêm mạc miệng. Nên chải khí cụ dưới vòi nước chảy và bên dưới có hứng chậu nước. Như vậy, dù bạn có trượt tay làm rơi hàm thì chúng cũng không bị gãy. Cũng có thể ngâm hàm trong dung dịch sát khuẩn loại chuyên dùng cho hàm giả. Không được sử dụng nước nóng để ngâm rửa hàm. Nó có thể làm biến dạng nhựa và do đó bạn không thể đeo được khí cụ nữa. Khi không đeo hàm nên giữ chúng trong một hộp bảo quản. Không nên gói hàm lại vì có thể bị nhầm là rác và vứt đi.

Một lưu ý nữa là cần ăn uống đúng cách, tránh các thực phẩm nguy cơ gây sâu răng cao, thức ăn cứng và dính như caramen, kẹo cao su…, không ăn vặt, không ăn các đồ ăn chứa nhiều đường trước khi đi ngủ mà không đánh răng lại. Ngoài ra, khám răng định kỳ là yêu cầu cần thiết để bạn kịp thời phát hiện các vấn đề răng miệng cũng như khắc phục ngay những biện pháp vệ sinh răng miệng chưa đúng.

TS. Võ Trương Như Ngọc, BS. Nguyễn Lan Anh